Khu di tích Kim Liên - di tích Quốc gia đặc biệt nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi dấu những kỷ niệm sâu sắc 2 lần Người về thăm quê (năm 1957 và năm 1961), là nơi đón nhận tình cảm ấm áp của nhân dân cả nước và bầu bạn quốc tế.
Thuyết minh viên thế hệ đầu tiên của Khu di tích Kim Liên đón tiếp đoàn Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng
Ngay từ khi thành lập (năm 1956), Khu di tích Kim Liên đã rất coi trọng công tác gìn giữ và phát huy giá trị những di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Người đã để lại cho quê hương. Bản thân các di tích, các hiện vật ở đây đã có sức cảm hóa diệu kỳ bởi sự trưng bày trực quan sinh động nhưng để du khách hiểu một cách sâu sắc giá trị giáo dục của các kỷ vật đó, công tác tuyên truyền hướng dẫn được xem như một khâu quan trọng nhất, góp phần thu hút lượng khách tham quan đến với Khu di tích Kim Liên.
Trải qua hơn 65 năm, cùng với sự phát triển chung của Khu di tích Kim Liên, công tác tuyên truyền hướng dẫn ngày càng đổi mới về nội dung và phương thức để lại những dấu ấn đậm nét qua các thời kỳ:
Từ năm 1956 đến năm 1970Đây là thời kỳ mà Khu di tích Kim Liên gặp nhiều khó khăn chồng chất. Những ngày đầu phục dựng, rất nhiều điều còn bỡ ngỡ, cán bộ chuyên nghiệp về công tác bảo tàng, di tích chưa có. Chiến tranh ác liệt ở miền Nam, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Việc bảo vệ nhà Bác cũng vất vả đôi khi phải cất giữ dưới hầm, trong kho (1968). Tại di tích Làng Sen được giao cho ông Nguyễn Sinh Thoán (Là cháu trong dòng họ nội Chủ tịch Hồ Chí Minh) vừa trông coi, bảo quản vừa kể chuyện cho khách nghe về Bác. Khách lúc đó chủ yếu là bộ đội hành quân vào Nam ghé thăm nhà Bác, một số ít là cán bộ nhà nước về thăm. Mỗi tháng chỉ từ 10 đến 20 đoàn. Giai đoạn này chưa có công tác thuyết minh.
Năm 1970 Bảo tàng Kim Liên ra đời, đây là bảo tàng đầu tiên trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì vậy lượng khách tham quan ngày càng đông, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Ty văn hóa đã tuyển chọn các thuyết minh từ các cơ quan, các trường sư phạm, lực lượng thanh niên xung phong, 8 đồng chí đã được tuyển dụng vào Tổ hướng dẫn (Lúc này chưa có đơn vị hành chính cụ thể). Đây là thế hệ thuyết minh đầu tiên của Khu di tích Kim Liên, những người xây dựng, tạo nền móng cho các thế hệ thuyết minh Kim Liên sau này.
Các đồng chí thuyết minh ngày đó chưa được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ bảo tàng, chưa trải qua công tác nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt chưa từng làm thuyết minh, nhưng với lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, với lòng yêu nghề, với tấm lòng yêu kính Bác, các đồng chí đã tự học, tự nghiên cứu, trên cơ sở các nội dung thuyết minh của ban nghiên cứu lịch sử Đảng biên soạn. Các đồng chí đã tự bổ sung một cách phù hợp để có bài thuyết minh chuẩn nhất. Và chỉ sau một thời gian cùng nhau tập nói, khách tham quan đã được nghe thuyết minh tại các điểm di tích Hoàng Trù, Làng Sen.
Ngày 19/5/1970 Bảo tàng Kim Liên mở cửa đón khách, hơn 70.000 lượt khách về thăm (năm 1970) nhất là những năm chống Mỹ cứu nước, dưới làn mưa bom bão đạn, từng đoàn khách từ tuyến đầu chống Mỹ, đồng bào miền Nam, Quảng Bình, Vĩnh Linh cho tới vùng núi Việt Bắc xa xôi, nhiều đơn vị bộ đội trước khi ra trận đã về thăm quê Bác. Đó là nguồn động viên lớn đối với các chiến sỹ, tất cả đều hứa quyết tâm lập công dâng Bác. Vì vậy các đồng chí thuyết minh thời kỳ đó làm việc không kể giờ giấc, làm việc từ sáng đến tối, mỗi đồng chí thuyết minh chuyên sâu chỉ một điểm cố định tại Hoàng Trù, Làng Sen, hoặc 3 phòng trưng bày (Phòng 1: về Quê hương, gia đình, thời niên thiếu, phòng 2: cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1911 đến năm 1969, phòng 3: Bác Hồ với quê hương Nghệ An). Bên cạnh đó, họ còn kiêm nhiệm thêm công tác bảo quản, làm quen với công tác sưu tầm hiện vật và trưng bày. Sau đó một vài năm, các đồng chí trong tổ hướng dẫn luân phiên các điểm để giới thiệu được tất cả di tích hay bảo tàng. Điều đó làm cho cán bộ thuyết minh hiểu rộng hơn về kiến thức, đảm nhận công việc một cách chủ động, sáng tạo, bớt sự nhàm chán và đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.
Hình thức tuyên truyền ngày đó chủ yếu tập trung thuyết minh tại bảo tàng, di tích ngoài ra có các đơn vị tổ chức làm lễ kết nạp đoàn viên, đảng viên tại nhà Bác.
Giai đoạn 1970 đến 1990Khoảng thời gian đầu những năm 70, lượng khách về thăm quê hương Bác ngày càng đông. Với sự hướng dẫn nhiệt tình, tâm huyết của Tổ hướng dẫn đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong lòng khách tham quan. Những lời thuyết minh, những câu chuyện cảm động về Bác là nguồn động viên, cổ vũ tinh thần mạnh mẽ cho các chiến sỹ vào Miền Nam chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng 30/04/1975, thực hiện lòng mong mỏi của Người.
Năm 1983, Bộ máy tổ chức của Khu di tích Kim Liên có sự thay đổi, Tổ hướng dẫn được sắp xếp thuộc Phòng Sưu tầm nghiên cứu, trưng bày và văn hóa quần chúng.
Năm 1989 để chuẩn bị Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Kim Liên đã tổ chức một cuộc thi tuyển thuyết minh có quy mô khá lớn, 8 đồng chí trúng tuyển đã được bổ sung vào tổ hướng dẫn thay thế một số đồng chí chuyển công tác, chuyển bộ phận sang bảo quản, sưu tầm, nghiên cứu.
Năm 1990, lượng khách về tham quan Khu di tích Kim Liên tăng đột biến hơn 4,3 triệu lượt khách trong nước và quốc tế. Trong đó có nhiều đoàn khách Quốc tế dự hội thảo Chủ tịch Hồ chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất đã tham quan, nghiên cứu về gia đình, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hình thức tuyên truyền ngày đó chủ yếu thuyết minh tại các điểm di tích Hoàng Trù, Làng Sen, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Nhà trưng bày không gian chật hẹp hơn nên khách tham quan tự do tìm hiểu. Lượng khách quá đông lại chưa có các thiết bị loa phụ trợ vì vậy ngoài công tác thuyết minh trực tiếp, thì đài cassette mở liên tục lời thuyết minh ghi âm phục vụ khách tham quan. Hình thức này không được khách hưởng ứng do mỗi đoàn thời gian khác nhau vì vậy số lượng được nghe thuyết minh chỉ chiếm
¼. Giai đoạn này công tác tuyên truyền còn đơn điệu, chưa có sự chuyên nghiệp như bài thuyết minh chủ yếu có sẵn, chưa có sự sáng tạo theo tính chất đoàn, trang phục tự do, trang phục áo dài chỉ mặc vào các ngày lễ như dịp sinh nhật Bác (19/5), Ngày quốc khánh (2/9) ... Dẫu còn nhiều hạn chế như vậy nhưng với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, thế hệ các đồng chí những năm 90 đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng khách tham quan.
Từ năm 1990 đến nayKhi đời sống vất chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, rất nhiều người có nhu cầu du lịch về với cội nguồn, nhất là các điểm tham quan về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích Kim Liên là một trong 2 điểm có số lượng khách tham quan nhiều nhất trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước. Với lượng khách hàng năm có từ 1,2 đến 2 triệu lượt khách về thăm quan, có những ngày lên đến 500 đoàn khách với hàng chục ngàn lượt người. Vì vậy cán bộ thuyết minh liên tục được bổ sung (Năm 1992 tuyển 3 đồng chí, 1996 tuyển thêm 4 đồng chí, năm 2005 tuyển 8 đồng chí, 2010 tuyển 8 dồng chí ....).
Thuyết minh cho đoàn đại biểu Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tại triển lãm "Quê hương nghĩa trọng tình cao"
Năm 2009, với tên gọi mới là Phòng Tuyên truyền giáo dục, Công tác tuyên truyền ở Khu di tích Kim Liên cũng đã chuyển mình có những bước phát triển mới, chuyên nghiệp và chuyên sâu hơn. Các nội dung thuyết minh linh hoạt theo từng đối tượng khách phù hợp. Các hình thức tuyên truyền đa dạng và phong phú hơn.
Bên cạnh công tác thuyết minh tại các di tích gốc tại Hoàng Trù, Làng Sen, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, làm lễ báo công tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho khách hiểu hơn về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và hai lần Người về thăm quê. Các cán bộ hướng dẫn còn tham gia thuyết minh các cuộc triễn lãm tại chỗ và lưu động với nhiều chủ đề theo từng thời điểm khác nhau, thuyết minh triển lãm Online, thuyết minh trực tuyến cho lớp học chính trị, nói chuyên chuyên đề “Bác Hồ với học sinh”, “Bác Hồ với thanh niên”, “Bác Hồ với lực lượng vũ trang” tại các trường học và các đơn vị bộ đội trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giúp các em học sinh cũng như các chiến sỹ bộ đội ở những vùng khó khăn chưa có dịp về Khu di tích Kim Liên có thể hiểu thêm về Bác và những tình cảm của Bác dành cho thanh thiếu niên, học sinh và các chiến sỹ bộ đội. Các buổi nói chuyện đầy ý nghĩa góp phần làm phong phú nội dung sinh hoạt tại chỗ của các trường học cũng như đơn vị bộ đội.
Phối hợp với các đài truyền hình từ Trung ương đến địa phương làm nhiều chương trình như “Đến ngày Quốc khánh lại nhớ Làng sen”, “ Đường về quê Bác” … thuyết minh trực tiếp trên cầu truyền hình của VTV, Truyền hình thế hệ số của VTV6 trong chương trình tham quan Online ... Ở nước ngoài: Phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh triển lãm, hội thảo 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng với Bungari tại Bungari. Phối hợp với Sở du lịch Nghệ An, Sở Ngoại vụ Nghệ An xúc tiến du lịch gắn với công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan, Lào … Đã viết 612 tin bài đăng trên website của cơ quan, các bài viết ngày càng chất lượng và thu hút số lượng truy cập khá lớn với hơn 1 triệu lượt truy cập.
Không những đa dạng hóa công tác tuyên truyền, các đồng chí thuyết minh bước đầu làm công tác nghiên cứu khoa học như viết các chuyên đề Bác Hồ với Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Cao Bằng ... , chuyên đề về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo từng giai đoạn ... để bổ sung cho bài thuyết minh phong phú, sâu sắc, phù hợp với đối tượng khách tham quan.
Từ khi Bộ chính trị Trung ương Đảng phát động cuộc vận động
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo chỉ thị 06, rồi chỉ thị 03 và hiện nay chỉ thị 05:
về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, số lượng các đoàn là Chi bộ, Đảng bộ về tham quan học tập tăng nhiều hơn (Năm 2016 có 1.442.899 lượt khách tham quan, năm 2017 có 1.747.462 lượt ... ). Đặc biệt phòng đã tổ chức làm lễ tưởng niệm cho các chi bộ, Đảng bộ báo công dâng Bác, biểu dương người tốt việc tốt tại nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Năm 2016 có 501 đoàn làm lễ, năm 2017 có 554 đoàn ...). Đây là một công việc khá mới do phòng Tuyên truyền giáo dục đảm nhận. Với sự năng động và sáng tạo, các bài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh không đơn thuần là những bài mẫu mà được chuẩn bị theo từng đối tượng, ngành nghề, vùng miền tạo được sự hài lòng cho khách tham quan trong đó có nhiều đoàn cấp cao của Đảng, Nhà nước.
Giai đoạn này tính chất các đoàn khách về với Kim Liên đa dạng hơn, ngoài các đoàn trong nước như các cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị xã hội, các gia đình … lượng khách nước ngoài cũng khá đông (Tính từ năm 2016 – 2020 có 2.832 đoàn với 30.191 lượt người, 44 quốc tịch) đến từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Để đáp ưng nhu cầu tìm hiểu của du khách và nâng cao chất lượng, trình độ của cán bộ thuyết minh. Phòng tuyên truyền giáo dục đã đề xuất đào tạo tại chỗ tiếng Anh. Hiện nay đã có 5 đồng chí thuyết minh cơ bản tại các di tích chính bằng tiếng Anh và 1 đồng chí thuyết minh bằng tiếng Pháp. Sắp tới sẽ đào tạo một số cán bộ nói tiếng Lào. Đây là bước tiến mang tính đột phá của công tác tuyên truyền, khắc phục hạn chế hơn 60 năm qua.
Những năm gần đây công tác thuyết minh đã được hỗ trợ bằng các phương tiện hiện đại hơn như sử dụng bộ trợ giảng trong quá trình hướng dẫn phục vụ lượng khách ngày càng đông. Với sự nỗ lực trong việc nghiên cứu và học tập, sự chuyên nghiệp trong công tác đón tiếp khách như trang phục áo dài đồng phục, đeo thẻ ngành, linh hoạt bài thuyết minh theo từng đối tượng... Thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên đã để lại những tình cảm, những ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách tham quan.
Đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền tại Khu di tích Kim Liên từ ngày thành lập đến nay luôn yêu nghề, nhiệt tình, năng động, gắn bó và tự hào với nhiệm vụ của mình. Trải qua 65 năm với sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, mỗi thời kỳ đều có những dấu ấn đậm nét trong lòng khách tham quan.
Để phát huy vị thế là Khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia đặc biệt góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Nghệ An đồng thời phù hợp xu thế phát triển chung hiện nay. Công tác tuyên truyền Khu di tích Kim Liên trong tiến trình đổi mới sẽ luôn tiếp tục trăn trở, tìm tòi các giải pháp, sáng tạo để phát huy tốt hơn nữa di sản Hồ Chí Minh ở quê hương góp phần quan trọng trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Bùi Thị Đảm